menu_open
Phong Điền đẩy mạnh phong trào đền ơn đáp nghĩa
26/07/2022 11:22:41 SA
Xem cỡ chữ:
Với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, trong những năm qua phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” luôn được Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn huyện Phong Điền quan tâm thực hiện với nhiều hoạt động thiết thực và có hiệu quả, nhằm thể hiện sự tri ân với những anh hùng liệt sĩ các thương binh, bệnh binh các gia đình có công với cách mạng.

Trong hai cuộc kháng chiến và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, Phong Điền là địa phương chịu nhiều đau thương mất mát trong chiến tranh và đã sản sinh ra biết bao người con đã anh dũng hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế. Hiện toàn huyện có có 11.000 người có công và thân nhân của người có công với cách mạng, trong đó: 3662 liệt sĩ; 805 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, bệnh binh; thân nhân liệt sĩ hưởng trợ cấp hàng tháng; 2641 người có công giúp đỡ cách mạng; 535 người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày; 624 Bà mẹ Việt Nam anh hùng (còn sống 7 mẹ); 328 người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; 115 con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học,...

Phát huy truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, trong những năm qua Đảng bộ và nhân dân huyện Phong Điền luôn quan tâm chăm lo thực hiện có hiệu quả phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” bằng nhiều việc làm thiết thực, mang đậm ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện tình cảm, trách nhiệm của thế hệ hôm nay đối với sự hy sinh, mất mát của những gia đình thương binh, liệt sỹ. UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện phối hợp với các ban ngành, đoàn thể, UBND các xã, thị trấn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng; hướng dẫn thực hiện các chế độ ưu đãi của nhà nước đối với người có công với cách mạng; việc tiếp nhận và giải quyết hồ sơ người có công được thực hiện theo quy định; công tác chi trả trợ cấp ưu đãi đối với người có công được giải quyết kịp thời, đầy đủ; kinh phí chi trả trợ cấp cho các đối tượng được chuyển về cho UBND các xã, thị trấn đảm bảo hoàn thành trước ngày 05 hàng tháng; Chi trả trợ cấp một lần, sau khi nhận được quyết định từ Sở LĐ-TB&XH tỉnh, cơ quan chuyên môn chuyển đến Bưu điện các xã, thị trấn để thông báo đối tượng đến nhận chế độ. Trong 6 tháng đầu năm 2024, trợ cấp hàng tháng 2.639 lượt, tổng kinh phí 27.569.303.000đ; trợ cấp 1 lần: 124 lượt với tổng kinh phí là 1.405.182.000đ,…

Phong trào đền ơn đáp nghĩa không ngừng được phát triển sâu rộng và đạt được kết quả, chế độ điều dưỡng phục hồi sức khỏe đối với người có công và thân nhân người có công được thực hiện kịp thời, đảm bảo kinh phí được chi trả trực tiếp đến đối tượng. Năm 2024, tổng số người được chi trả 881 người, kinh phí  2.108.430.000 đồng. Bên cạnh đó, hàng năm ngoài việc tổ chức tập trung tại tỉnh theo chế độ, UBND huyện chỉ đạo phòng Lao động – Thương binh & Xã hội đưa đối tượng đi điều dưỡng tập trung ngoại tỉnh tại Đà Nẵng và tổ chức những chuyến tham quan thủ đô Hà Nội, viếng lăng Bác, các cơ quan của Chính phủ,  Nhà tù Phú Quốc,...; Vào các dịp Lễ, Tết, ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7) ngoài việc tổ chức trao quà của Chủ tịch nước, quà Tỉnh (theo Nghị quyết số 34/2022/ND-HĐND ngày 09/12/2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định mức quà tặng đối với người có công với cách mạng, thân nhân người có công với cách mạng; đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo, hộ cận nghèo nhân dịp Tết Nguyên đán và Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7) hàng năm) đến người có công; huyện còn trích ngân sách để trao tặng những phần quà cho đến người có công tiêu biểu hoặc có hoàn cảnh khó khăn,...

Công tác chăm sóc mộ, nghĩa trang liệt sỹ được các cấp, các ngành từ huyện đến các xã, thị trấn thực hiện thường xuyên. Hiện nay, trên địa bàn huyện có 09 nghĩa trang liệt sĩ, 15 công trình ghi công liệt sĩ với 4937 mộ liệt sĩ. Từ năm 2022 đến  nay có 607 đoàn với hơn 2589 thân nhân liệt sĩ đến thăm viếng và di chuyển hài cốt liệt sĩ về quê. Cùng với việc chăm sóc, tri ân người có công với cách mạng và thân nhân; hằng năm, từ nguồn ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương cùng với sự đóng góp của các cấp, các ngành, các công trình ghi công liệt sĩ đều được nâng cấp, sửa chữa chu đáo, trang nghiêm. Tính từ năm 2022 – 2024, tổng kinh phí đã chi hỗ trợ công tác mộ, Nghĩa trang liệt sĩ là 5.500.250.000  đồng (ngân sách TW ủy quyền); các cơ quan, ban ngành liên quan vận động cán bộ, công chức, viên chức đóng góp xây dựng quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”’, thu được số tiền 2.348.238.080đ (năm 2024: 148.761.840đ); huy động các nguồn lực đã hỗ trợ xây mới, sửa chữa 10 nhà tình nghĩa với tổng kinh phí 655,200,000 đồng,....

Đồng chí Hoàng Văn Thái, UVTV Huyện ủy, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền chia sẽ: “Với trách nhiệm và nghĩa tình sâu nặng, phát huy phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” cấp ủy, chính quyền huyện xác định công tác đền ơn đáp nghĩa là nhiệm vụ chính trị của địa phương với những việc làm thiết thực, chúng tôi đã tập trung chăm lo phụng dưỡng chu đáo các Mẹ Việt Nam Anh hùng, xây nhà tình nghĩa cho các gia đình chính sách còn khó khăn về nhà ở; thực hiện đầy đủ, chu đáo các chế độ, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với gia đình chính sách, người có công với cách mạng; giải quyết thấu đáo hồ sơ kháng chiến tồn đọng; xây dựng, sửa chữa tôn tạo các nghĩa trang liệt sỹ, nhà tưởng niệm, bia ghi danh và công tác tìm kiếm, quy tập, xác định danh tính hài cốt liệt sỹ,... nhằm thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây” đối với những Anh hùng Liệt sĩ đã hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc”.

Có thể nói rằng, với những việc làm đầy ý nghĩa và trách nhiệm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Phong Điền trong công tác đền ơn đáp nghĩa đã tô đậm thêm tình cảm, đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc ta. Trong thời gian tới, huyện Phong Điền sẽ tiếp tục đẩy mạnh các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, làm tốt và đóng góp vào việc chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho các thương binh, bệnh binh, gia đình có công, Mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang và các gia đình liệt sĩ; thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công,.. coi đó là trách nhiệm, tình cảm và vinh dự nhằm tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với những người đã có công lao đối với dân tộc và đất nước,  thực hiện huyện đạt chuẩn NTM và trở thành Thị xã vào trước năm 2025 theo tinh thần Nghị quyết 15 của Tỉnh ủy.